Sông Thương đoạn chảy qua Thành phố Bắc Giang là trung tâm kinh tế – văn hóa – chính trị của tỉnh Bắc Giang. Sông Thương cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho khoảng hơn 180 nghìn người thuộc thành phố Bắc Giang và các vùng lân cận. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển mạnh khiến sông Thương đã và đang phải đối mặt nguy cơ ô nhiễm rất cao.
Theo quan trắc của Công ty Cổ phần Nước sạch Bắc Giang, thời gian gần đây nước mặt Sông Thương nguồn nước có chiều hướng xấu dần đặc biệt vào mùa cạn từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau: Tại Trạm bơm nước thô trong tháng 4/2021 hàm lượng Amoni từ có thời điểm đạt 0,3-2,7mg/l vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn chất lượng quốc gia về chất lượng nước mặt) cột A1 cao nhất 9 lần; Hàm lượng Nitrit từ 0,35-0,5mg/l vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột A1 từ 7-10 lần; Hàm lượng Nitrat từ 2,6-15,4mg/l vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột A1 từ 1,3-7,7 lần.
Mặt khác Mạng lưới ao, hồ, ngòi nhỏ khá dày đặc, đây là nguồn cung cấp, dự trữ nước khi mực nước sông Thương xuống thấp, đặc biệt vào mùa khô. Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế xã hội chất lượng nước các ao hồ bị suy giảm. Nhiều ao, hồ bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng từ đó ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng nước sông Thương đoạn chạy qua Bắc Giang
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước sông Thương ngày càng gia tăng do hằng ngày phải tiếp nhận nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất. Dù các tỉnh, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động, nhưng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt vẫn rất lớn. Ngoài ra, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt do nước thải sinh hoạt của các đô thị ven sông và từ thuốc bảo vệ thực vật do hoạt động sản xuất chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cũng rất đáng lo ngại.
Để đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước mặt Sông Thương cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, sự phối hợp các địa phương. Cần tập trung kiểm soát chất lượng nước thải từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân sinh; cập nhật nguồn thải có lưu lượng xả thải lớn để đánh giá toàn diện mức độ tiếp nhận chất thải của lưu vực sông. Các địa phương cần thống nhất chia sẻ dữ liệu, ứng dụng quan trắc tự động để giám sát môi trường và phối hợp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nước liên tỉnh. Đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động để chủ động kiểm soát nguồn xả thải và chất lượng nguồn nước. Công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên hơn, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cần xử lý triệt để các nhà máy xí nghiệp chưa xử lý nước thải mà thải thẳng ra môi trường hoặc xử lý không đạt chuẩn.
Thực hiện: Đoàn TN